Các đợt thay đổi phương thức thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học Cải_cách_giáo_dục_ở_Việt_Nam

Thay đổi phương thức thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành, thuộc bốn đời Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, và Phạm Vũ Luận. Bắt đầu từ năm 2005 kỳ thi Tốt nghiệp Tiểu học được bãi bỏ, do đó chỉ còn các kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Cơ Sở (hết lớp 9) và Trung học Phổ Thông (lớp 12). Từ năm 2006, kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở cũng bị bãi bỏ

Tuyển sinh đại học

Giai đoạn sau hòa bình lập lại (1954 đến 1969) không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng mà căn cứ vào kết quả học tập, lý lịch của học sinh. Trường THPT (cấp 3) cùng với Ban tuyển sinh cấp huyện lựa chọn, sắp xếp học sinh vào các trường ĐH, CĐ hoặc cử đi nước ngoài đào tạo; sau đó, những thí sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được cử đi học theo kết quả bình xét nói trên.

Từ năm 1970, thay đổi phương thức tuyển sinh bằng cách tổ chức thi tuyển. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ kéo dài từ năm 1970 đến hết năm 2014. Tuy nhiên, cách thức tổ chức kỳ thi và quy định tuyển sinh được điều chỉnh nhiều lần:

a) Giai đoạn từ 1970 đến 1979

- Chỉ tiêu vào các trường được phân bổ cho các tỉnh. Căn cứ vào năng lực học ở phổ thông, trường THPT sẽ cùng Ban tuyển sinh cấp huyện dự kiến xếp thí sinh vào các trường.

- Tùy thuộc vào từng trường mà thí sinh sẽ chọn môn thi hoặc khối thi là Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học hay Văn, Lịch sử, Địa lí.

- Thi tuyển sinh được tổ chức ở tỉnh, mỗi tỉnh tổ chức một số cụm thi (trộn lẫn học sinh của các trường THPT); giảng viên các trường ĐH, CĐ và sinh viên về các tỉnh coi thi.

- Thí sinh phải hoàn thành 2 kỳ thi: thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đủ điểm chuẩn do các trường quy định theo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được vào học ĐH, CĐ; thí sinh đạt kết quả cao sẽ được gửi sang nước ngoài để học tập.

b) Giai đoạn từ 1980 đến 1990

- Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình.

- Tùy theo trường đăng ký, thí sinh dự thi theo khối, gồm: A (Toán, Vật lí Hóa học); B (Toán, Hóa học, Sinh học); C (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí).

- Thí sinh phải thực hiện 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Chỉ thí sinh tốt nghiệp THPT mới được dự thi tuyển sinh.

- Tổ chức thi tại các tỉnh, mỗi tỉnh tổ chức một số cụm thi (trộn lẫn học sinh của các trường THPT); giảng viên các trường ĐH, CĐ và sinh viên về các tỉnh coi thi.

- Các trường căn cứ kết quả thi của thí sinh đăng ký vào trường mình để công bố điểm trúng tuyển.

- Thí sinh đạt kết quả cao sẽ được Nhà nước cử đi học tập ở nước ngoài.

c) Giai đoạn từ 1991 đến 2001

- Không tổ chức kỳ thi tuyển sinh chung, các trường ĐH, CĐ tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh.

- Tùy theo trường đăng ký, thí sinh dự thi theo khối, gồm: A (Toán, Vật lí, Hóa học); B (Toán, Hóa học, Sinh học); C (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lí); D (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ).

- Thí sinh phải thực hiện 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Chỉ thí sinh tốt nghiệp THPT mới được dự thi tuyển sinh.

- Thí sinh có thể đăng ký thi nhiều trường để tăng cơ hội trúng tuyển.

- Tổ chức thi tại trường ĐH, CĐ; phần lớn thí sinh phải tập trung về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để dự thi (Do các trường ĐH, CĐ tập trung ở các thành phố lớn).

d) Giai đoạn từ 2002 đến 2014

- Tổ chức kỳ thi "ba chung": chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi.

- Chia làm 3 đợt thi: đợt 1 thi ĐH khối A (sau này thêm A1), đợt 2 thi ĐH khối B, C, D và đợt 3 thi CĐ (từ năm 2013 bỏ đợt 3, CĐ thi cùng ĐH).

- Tổ chức thi tại các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức thêm các cụm thi ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng để các thí sinh không phải đi xa và giảm tải cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bộ quy định điểm sàn đối với từng khối thi. Các trường chỉ được phép xét tuyển các thí sinh có kết quả thi từ mức "sàn" trở lên.

Từ năm 2014, thực hiện quy định về tự chủ trong tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học, Bộ đã cho phép các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh và tự lựa chọn phương án tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức "ba chung" trong 13 năm đã khẳng định những thành công, ưu điểm. Tuy vậy, hình thức thi " ba chung " đã bộc lộ một số hạn chế đối với sự phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo trong các trường ĐH, CĐ; nhất là khi các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo. Việc thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo 5 khối (A, A­­­­­­­­1, B, C, D) đã hạn chế sự tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong đánh giá một số năng lực cần thiết, đặc thù phù hợp với ngành đào tạo của trường, làm cho công tác tuyển sinh chưa thật sự linh hoạt, chưa hỗ trợ tốt cho các trường ĐH, CĐ tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp nhất với các ngành đào tạo. Mặt khác, việc rất đông thí sinh từ các địa phương ở xa phải tập trung về các trường ĐH, CĐ dự thi tuyển sinh, đặc biệt là ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng sinh hoạt đô thị, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của và lãng phí.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải_cách_giáo_dục_ở_Việt_Nam http://www.ninh-hoa.com/bk-ThuyNguyen_GiaoDucvaThi... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/gs-hoang-tu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://cand.com.vn/Xa-hoi/Gia-tang-tinh-trang-cu-n... http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lang-phi-chuon... http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thi-tot-nghiep... http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/chuong-trinh-... http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=... http://daidoanket.vn/giao-duc-viet-nam-cham-lon-45... http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-di...